KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NĂM HỌC 2024-2025
Căn cứ Thông tư số 13/2016/TTLT-BGDĐT-BYT ngày 12 tháng 5 năm 2016 quy định công tác y tế trường học của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Kế hoạch số 61/KH-TYT ngày 28 tháng 02 năm 2024 của Trạm Y tế xã Thanh Tuyền Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2024;
Căn cứ Kế hoạch số 29/KH-MNBS-YT ngày 06 tháng 9 năm 2024 của Bộ phận y tế trường Mầm non Bến Súc Kế hoạch công tác y tế trường học năm học 2024-2025;
Trường Mầm non Bến Súc xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trong trường năm học 2024 – 2025 như sau:
I. Mục tiêu
- Bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học
- 100% giáo viên và phụ huynh học sinh nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
- Phấn đấu không để xảy ra dịch bệnh trong trường học. Nếu phát hiện dịch bệnh trong trường học kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế xử lý triệt để không để dịch lây lan.
II. Giải pháp – hoạt động trọng tâm
1. Thành lập/ kiện toàn Ban chỉ đạo y tế trường học
- Tham mưu Hiệu trưởng thành lập/ kiện toàn Ban chỉ đạo công tác y tế, phòng chống dịch bệnh trong trường học.
- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nhà trường chủ động xây dựng Kế hoạch và phương án phòng chống dịch bệnh tại đơn vị. Chủ động liên hệ với Trạm y tế hoặc Trung tâm Y tế xã Thanh Tuyền để tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn cũng như hóa chất khử trùng phục vụ cho công tác khi có dịch xảy ra.
2. Công tác tuyên truyền, vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho đội ngũ CB-GV-NV, học sinh và phụ huynh dưới nhiều hình thức như nói chuyện qua các buổi họp phụ huynh, thông qua bảng tin truyền thông giáo dục sức khỏe tại lớp, phòng y tế nhà trường, thông qua phát loa truyền thanh vào đầu giờ qua áp phích, poster…
- Tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với giáo viên và phụ huynh giáo dục trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi công cộng. Chủ động phòng chống dịch bệnh theo mùa.
- Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại trường.
* Đối với bệnh tay chân miệng tăng cường truyền thông 3 thông điệp của ngành y tế “ Rửa, lau, khám”:
+ Rửa: rửa sạch bàn tay của trẻ, người chăm sóc trẻ; rửa đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt …
+ Lau: vệ sinh hàng ngày lớp học, nhà vệ sinh, trang thiết bị phục vụ tại bếp bán trú … bằng dung dịch khử khuẩn như Javel, Chloramin B.
+ Khám: khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nên hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến khám tại Trạm y tế, trung tâm y tế Huyện.
Đặc biệt theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng như sốt cao, giật mình, đi đứng loạng choạng, ngủ li bì, quấy khóc, ói nhiều, khó thở, thở mệt và đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.
* Đối với sốt xuất huyết cần lưu ý một số biểu hiện
+ Sốt cao (trên 390 C, sốt đột ngột, sốt liên tục.
+ Xuất huyết dưới da, niêm mạc, chảy máu nướu, xuất huyết tiêu hóa (đi cầu phân đen)
- Thông báo rộng rãi đến CBGVNV về phương án phòng chống dịch bệnh tại nhà trường và đề nghị phụ huynh phải có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động với nhà trường trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phụ huynh cần đảm bảo và thực hiện nguyên tắc nếu con em có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh phụ huynh nên cho con em nghỉ học để cách ly, thực hiện tốt các hướng dẫn để tránh lây lan trong cộng đồng, đồng thời thông báo ngay cho nhà trường cũng như cơ quan y tế (Trạm y tế xã, Trung tâm y tế Huyện) có biện pháp xử lý kịp thời. Nhà trường cần thực hiện truyền thông vận động sự đồng thuận của cha mẹ học sinhn trong việc “Không để trẻ bệnh đến trường” nhằm hạn chế bệnh lây lan trong trường học.
- Tổ chức thực hiện công tác tầm soát trẻ bệnh mỗi ngày vào đầu giờ, cập nhật sổ sách, biểu mẫu báo cáo, theo dõi trẻ bệnh và thực hiện báo cáo thường qúy cho Trạm y tế, Trung tâm y tế dự huyện và phòng Giáo dục và Đào tạo Huyện.
- Tuyên truyền cho toàn thể đội ngũ và các em học sinh rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.
“Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng là biện pháp đơn giản nhất và tốt nhất để phòng chống bệnh tay chân miệng và một số bệnh khác”.
Kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, hóa chất phục vụ cho công tác vệ sinh khử khuẩn tại trường học. Lưu ý việc trang bị các loại dung dịch, hóa chất vệ sinh khử khuẩn phải có có nguồn gốc, nhãn mác, thương hiệu, có ghi rõ nồng độ và hướng dẫn cách pha, cách sử dụng. Các trường không nên mua các loại dung dịch khử khuẩn không đảm bảo các yêu cầu trên.
- Thực hiện tổng vệ sinh trường lớp, bếp ăn, khu vệ sinh. Chú ý bề mặt, vật dụng hay tiếp xúc, học phẩm, học cụ bằng các dung dịch khử khuẩn.
Tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết thông qua một số biện pháp:
+ Kiểm tra hằng ngày và loại bỏ các yếu tố nguy cơ làm phát sinh lăng quăng tại nhà trường cũng như tại gia đình.
+ Kiểm tra, loại bỏ các vật liệu thải, không sử dụng; sắp xếp, thu dọn vệ sinh khu vực xung quanh bếp ăn, lớp học.
+ Lật úp các chậu hoa kiểng nếu không sử dụng.
+ Các thùng rác lớn (để tập kết rác) phải được đậy nắp thường xuyên, nhất là sau khi đã được thu gom rác.
+ Loại bỏ vỏ xe phế thải, loại bỏ xô phế thải (nếu có)
+ Kiểm tra các ô văng và khơi thông vòi thoát nước.
- Thanh lý tài sản, vật dụng hư hỏng, không sử dụng để tạo sự thông thoáng, gọn gàng, thẩm mỹ trong trường học. Đồng thời góp phần diệt lăng quăng, diệt muỗi phát sinh trong nhà trường.
- Thực hiện đúng quy trình xử lý khi có ca bệnh (khi phát hiện 1 - 2 ca bệnh):
+ Lập danh sách trẻ mắc bệnh (TCM hoặc SXH) và báo cáo ngay tình hình trẻ bệnh cho Phòng GD&ĐT, Trung tâm Y tế Huyện và Trạm y tế (TYT) xã kịp thời theo quy định.
+ Thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp với dd Javel (pha với nồng độ gấp 10 lần theo hướng dẫn ghi trên nhãn chai) từ 7-10 ngày liên tục. Kiểm tra và theo dõi việc rửa tay thường xuyên của đội ngũ và của trẻ với nước sạch và xà phòng.
+ Tầm soát trẻ: phối hợp với Trạm y tế phường thực hiện tầm soát trẻ liên tục trong những ngày tiếp theo vào đầu giờ mỗi buổi sáng để kịp thời phát hiện những trẻ có biểu hiện nghi ngờ (như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, nổi ban đỏ, bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, vết trợt loét trong miệng ….) và thông báo phụ huynh cho trẻ nghỉ học để đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám, điều trị.
+ Tiếp tục duy trì chế độ theo dõi ca bệnh hoặc ca nghi ngờ và chế độ báo cáo mỗi ngày theo quy định cho Phòng GD&ĐT, Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã.
+ Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh tại trường 2 lần/ngày vào đầu giờ buổi sáng và buổi chiều khi trả trẻ cho phụ huynh.
+ Chỉ tiếp nhận trẻ đi học lại sau khi trẻ bệnh đã được điều trị và khỏe mạnh (ít nhất từ 7 - 10 ngày). Có giấy của bệnh viện nơi trẻ đã điều trị.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học:
+ Xây dựng kế hoạch tự kiểm tra về công tác phòng chống dịch bệnh tại nhà trường.
- Thực hiện tổng vệ sinh môi trường ở trường học (vào chiều thứ 2 hằng tuần).
- Tổ chức các đợt cao điểm tổng vệ sinh trường học phòng chống dịch bệnh, thu gom phế thải phòng chống dịch Sốt xuất huyết.
- Tiếp tục thực hiện xây dựng môi trường trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, khoa học.
- Phòng học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn, có đủ nước sạch sinh hoạt, đảm bảo nhà vệ sinh hợp vệ sinh.
- Mua sắm thiết bị, phương tiện, thuốc men đảm bảo cho phòng chống dịch.
3. Các giải pháp không để dịch lớn xảy ra
- Theo dõi tình hình học sinh chặt chẽ nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh.
- Hướng dẫn các em bị ốm tuân thủ việc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế và thực hiện cách ly theo yêu cầu để ngành y tế có thể giám sát dịch bệnh, xử lý ca bệnh triệt để, phòng tránh lây lan trong cộng đồng.
- Trong trường hợp số lượng học sinh nghỉ ốm tăng đột biến hoặc phát hiện các dấu hiệu bất thường về tình hình sức khỏe học sinh cần báo ngay cho trạm y tế xã nơi địa bàn trường đóng, phối hợp phát hiện, giám sát và phòng chống dịch bệnh.
4. Lời khuyên về dinh dưỡng khi trẻ bị ốm
- Khi bị bệnh, cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để giúp cơ thể chống lại bệnh tật tuy nhiên giai đoạn này trẻ thường ăn không ngon miệng chán ăn nên dinh dưỡng không đảm bảo vì vậy trẻ dễ bị giảm cân nguy cơ suy dinh dưỡng cao.
- Trong giai đoạn trẻ bị bệnh thưc hiện những lời khuyên sau:
+ Cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa (cháo, bột….) ăn những loại đạm tinh dễ tiêu (thịt lợn nạc, thit gà nạc….) và đảm bảo đủ năng lượng.
Chia nhiều bữa trong ngày số lượng mỗi bữa ăn ít hơn bình thường.
Chế độ ăn giàu đạm vitamin và khoáng chất.
Để trẻ dễ ăn làm loãng thức ăn bằng cách trộn giá đỗ vào thức ăn vẫn đảm bảo đủ năng lượng.
Kiên trì khuyến khích trẻ ăn uống đúng bữa.
Cho trẻ ăn những thức ăn mà mình thích.
* 6 nguyên tắc bảo vệ sức khỏe
- Ăn chín uống sôi
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch
- Tắm rửa thường xuyên
- Sử dụng và bảo quản nước sạch
- Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh
Thu gom và xử lý rác thải
Trên đây là kế hoạch tuyên truyền phòng chống dịch bệnh năm học 2024-2025. Kính mong toàn thể CBGVNV nhà trường kết hợp tốt với phụ huynh để phòng bệnh cho trẻ một cách tốt nhất để trẻ có một cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật cho tương lai phát triển sau này./.